Vũ Thư là huyện nằm giữa ranh giới phía tây của tỉnh với tỉnh Nam Định. Phía bắc và đông bắc lần lượt giáp các huyện Hưng Hà và Đông Hưng của Thái Bình Phía tây và nam giáp tỉnh Nam Định. Phía đông giáp thành phố Thái Bình và huyện Kiến Xương của Thái Bình. Vũ Thư ngày này được hội nhập từ hai huyện trước kia của tỉnh Thái Bình là Vũ Tiên và Thư Trì, huyện nổi tiếng với các làng nghế như:
Làng nghề Bách Thuận
Bách Thuận trù phú là nhờ đất đai, nhưng Bách Thuận hôm nay giàu đẹp là nhờ khối óc và bàn tay con người. Những người nông dân Bách Thuận đã đưa nghề làm vườn lên thành nghệ thuật. Cả xã có đến hàng trăm vườn cây cảnh quý. Toàn là thế trực, cửu phẩm, long giáng, rồng chầu…đã mang về hàng chục tỷ đồng cho nhân dân địa phương. Vùng đất phù sa màu mỡ này đã từng nổi tiếng bởi cái tên “Làng vườn” “Làng du lịch sinh thái”.
Bách Thuận đã một thời nổi tiếng với nghề trồng hoa. Mấy năm gần đây, nghề trồng hoa của Bách Thuận “lên ngôi”. Về Bách Thuận vào những ngày đầu xuân này, bạn sẽ được đắm chìm trong hương, trong sắc. Được sống trong làng hoa, luôn được ngắm nhìn, tẩm ướp hương vị các loài hoa, nên con người Bách Thuận cũng thanh thế và tao nhã.
Nghề thêu Minh Lãng
Minh Lãng nổi tiếng bởi có nghề thêu truyền thống từ hàng trăm năm nay. Với Minh Lãng bốn mùa là bốn mùa xuân. Dưới đôi bàn tay mềm mại, khéo léo của những cô gái Minh Lãng, muôn hoa như bừng nở, khoe sắc thơm hương.
Nghề thêu của Minh Lãng ra đời giữa những năm đầu của thế kỷ XIX. Vào thời Minh Mạng (1825), nhà Nguyễn nhu nhược, ăn chơi sa đoạ. Mất mùa, nạn đói và dịch bệnh hoành hành. Lại thêm một cơn bão lớn năm đó làm cho cả một vùng đồng bằng Thái Bình – Nam Định, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ. Ba cụ Nguyễn Như Khang, Nguyễn Nghĩa, Nguyễn Ca đã rời làng ra đi. Biền biệt suốt một thời gian dài, 3 cụ trở lại làng ngay ngày hôm sau, dân làng ngạc nhiên vì thấy thợ mộc kéo đến nhà 3 cụ dựng lên những chiếc khung lạ lẫm hình chữ nhật. Ban đầu con cháu của các cụ được truyền dạy cách căng khung, cầm kim, pha chỉ và thêu những bức tranh đầu tiên. Chẳng bao lâu sau, hai làng Phù Lôi và Bùi Xá, nhà nào cũng đều cho con đến học nghề các cụ từ đó, nghề thêu của Minh Lãng ra đời.
Nghề thêu đã giúp người nông dân Minh Lãng đổi đời. Kinh tế phát triển , góp phần ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, phát triển đời sống văn hoá. Xã Minh Lãng đã được tỉnh, huyện tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, UBND tỉnh đã tặng bằng công nhận làng nghề cho xã Minh Lãng. Đảng bộ và nhân dân Minh Lãng đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng III trong thời kỳ đổi mới.
Cốm Đồng Thanh
Nghề làm cốm của Đồng Thanh ra đời đã hàng trăm năm nay. Cứ cha truyền, con nối, Đồng Thanh có 3 thôn: Đồng Đại, An Điện và Thanh Hương, nhưng nghề làm cốm lại chỉ tập trung ở thôn Thanh Hương.
Nếu chỉ nhìn những hạt cốm nhỏ bé bạn sẽ không hình dung được, để làm ra nó phải đòi hỏi một sự khéo léo và công phu đến nhường nào. Khâu đầu tiên là khâu chọn thóc. Thóc để giã cốm phải là thóc nếp, hạt mẩy đều, không bị mọt. Nếu là thóc nếp thơm thì cốm càng ngon. Có một điều rất đặc biệt: thóc giã cốm không phải là thóc săn giòn mà đó là thóc non. Chỉ những người nông dân mới định được, bông lúa chín đến “độ” nào thì gặt về làm cốm. Đây là một sự bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn. Thóc đem ngâm trong nước 24 giờ sau đó vớt ra đãi sạch, lại ngâm tiếp 12 giờ nữa với nước có tỷ lệ 20% nước sôi, 80% nước lạnh. Mục đích làm cho thóc mềm hơn.
Tiếp theo, thóc được vớt ra, lại đãi sạch, để cho ráo nước rồi đem rang. Một chảo rang cũng chỉ vừa cho 1kg thóc/1 mẻ trong thời gian 3 phút. Người ta phải rang làm sao cho thóc chín đều, không giòn quá mà cũng không sống xổi. Đó chính là “bí quyết” của người làm cốm.
Thóc rang xong đem bỏ vào cối giã, đảo đều tay, đến khi hạt gạo dẹt vừa đủ. Sau đó xúc ra sàng lọc bớt vỏ trấu rồi đổ lên máy rê để lọc hết vỏ trấu và cám. Khâu cuối cùng là khâu lọc cốm. Khâu này người ta phải làm thủ công, mục đích là nhặt bỏ những hạt cốm bé, xấu và thóc dối. Làm đi, làm lại 3 đến 4 lần như vậy.
Cốm có hai loại: Cốm trắng và cốm xanh. Cách làm 2 loại cốm này cơ bản đều phải trải qua các công đoạn trên. Song chỉ khác: Với cốm xanh, người ta phải ngâm thóc lâu hơn, ngâm thóc lần hai trong nước sôi 100%, giã dối hơn cốm trắng và có nhuộm phẩm màu, pha thêm chút hương liệu. Ở cốm xanh thì phải có thêm một công đoạn nữa là sấy khô. Cốm xanh người ta thường dùng làm xôi vò, hoặc bánh cốm cho các lễ cưới của trai gái.
Nguyễn Huyền (Tổng hợp)