Sáng ngày 18/5/2015 tại quần thể khu di tích Đền Đồng Xâm – xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã diễn ra lễ khai mạc Lễ hội Đền Đồng Xâm năm 2015.
Tới dự lễ khai mạc có các đồng chí lãnh đạo đại diện cho Đảng, chính quyền các ban, ngành huyện Kiến Xương; đại biểu đại diện cho UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ, các cơ quan đoàn thể các xã trong huyện cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương đã về dự lễ hội và tham quan làng nghề thủ công mỹ nghệ – kim hoàn truyền thống Đồng Xâm.
Ông Đặng Văn Hòa – Phó BT Huyện ủy, CT UBND huyện nổi trống khai hội
Theo truyền thống từ ngàn xưa, cứ đến ngày mùng 1 tháng 4 âm lịch hàng năm, Đảng bộ và nhân dân làng Đồng Xâm xã Hồng Thái lại tổ chức lễ hội truyền thống văn hóa tâm linh để tưởng nhớ công đức của người xưa, giáo dưỡng dân làng, truyền nghề tinh tế. Lễ hội Đồng Xâm từ lâu đã trở thành tâm thức của người Đồng Xâm và nhân dân trong vùng. Lễ hội cũng không những góp phần làm cho các giá trị nguồn cội được thăng hoa mà còn hướng cho con người tới những điều tốt đẹp, lương thiện. Lễ hội Đồng Xâm là một tài sản tinh thần quý báu cần được duy trì, bảo tồn và phát huy.
Nghi lễ dâng hương lễ thánh của các đoàn đại biểu huyện KX, các xã trong huyện
Đền Đồng Xâm là một quần thể di tích đồ sộ gồm nhiều công trình lớn nhỏ trên diện tích 10.000 m2. Đền Đồng Xâm thờ Triệu Vũ Đế và Trình Thị hoàng hậu, cùng Nguyễn Kim Lâu là vị tổ nghề chạm bạc cổ truyền của làng. Theo các nhà nghiên cứu, Đền Đồng Xâm là tập hợp nghệ thuật chạm bạc, khắc gỗ, khắc đá, kim loại…của Việt Nam thời Nguyễn. Chính vì nét độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật, kiến trúc đó, năm 1990 đền Đồng Xâm đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Hát tế của các đoàn nghệ thuật dân gian
Lễ hội Đồng Xâm sẽ được diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 18/5/2015 đến 20/5/2015, tức từ 01/4 đến 03/4 năm Ất Mùi với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như hát ca trù, hát chèo, tế lễ, rước thánh sư, đua thuyền trên sông Vông và nhiều trò chơi dân gian cuốn hút rất đông khách thập phương về dự, có nhiều nét văn hóa tâm linh. Đặc biệt lễ hội là dịp hội tụ của những người thợ kim hoàn, các phường bạc khắp nơi trên mọi miền đất nước nhớ về cội nguồn, dâng hương tri ân tổ nghề Nguyễn Kim Lâu, đem các sản phẩm chạm bạc về trưng bày, quảng bá và bán làm đồ lưu niệm cho du khách.
Đức Ngọc