Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh”, cán bộ công chức, viên chức vừa thấm nhuần tư tưởng làm việc của Người, vừa phải áp dụng linh hoạt vào công việc của mình.
Một trong những đức tính đáng quí của chủ tịch Hồ Chí Minh là tính tiết kiệm. Tiết kiệm theo Bác là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” nhưng cũng “không phải là bủn xỉn, tiết kiệm không phải ép nhịn ăn, nhịn mặc mà chi tiêu ở những việc cần thiết, thể hiện nếp sống văn minh”.
Đối với cán bộ văn phòng, việc thực hành tiết kiệm có thể được thực hiện trên các phương diện tưởng như rất nhỏ nhưng lại mang lại hiệu quả đáng kể:
1. Tiết kiệm giấy, mực in:
– Trước khi in ấn bất kì văn bản nào nên dùng chế độ xem trước văn bản (preview) thay vì in thử một tờ.
– Nếu in nhiều bản, có thể in trước 1 bản xem trước, khi không có vấn đề gì phát sinh, có thể in các bản tiếp theo, hoặc sử dụng máy photo thay vì dùng máy in. Vì mực máy in đắt hơn, giấy in cũng yêu cầu phải đẹp và dầy hơn.
– Đối với những tài liệu in một mặt, nên sắp xếp gọn gàng trong một túi để tái sử dụng, in những tài liệu tham khảo.
– Đối với những tài liệu không có tính chất bảo mật, có thể sắp xếp gọn và chuyển cho tạp vụ xử lý.
– Tài liệu, văn bản, công văn nên gửi thành bản điện tử qua email, cổng điện tử.
– Sử dụng phong bì một cách tiết kiệm: phong bì là một loại văn phòng phẩm phổ biến ở các cơ quan, việc sử dụng phong bì hợp lý, tiết kiệm sẽ giảm được một lượng giấy đáng kể.
2. Tiết kiệm điện:
Các chiến sĩ cảnh vệ của Bác kể lại: Bác thường nhắc nhở: Nước ta còn nghèo, nên càng phải tiết kiệm điện. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, xí nghiệp đều tiết kiệm điện thì chúng ta sẽ có đủ điện để dùng cho đời sống và sản xuất”.
Cán bộ để thực hành tiết kiệm điện, phương pháp tốt nhất là trở thành “cán bộ tắt điện” với các nếp sinh hoạt nhỏ như:
– Tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng làm việc.
– Sử dụng điều hòa ở nhiệt độ hợp lý (27-28oC hoặc chênh một vài độ so với nhiệt độ bên ngoài).
Giữa lúc giá cả thị trường ngày một biến động, không chỉ các bà nội trợ thực hành tiết kiệm chi tiêu, mà các nhà quản lý, các cán bộ, nhân viên kinh doanh cần thực hành tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu để đạt được hiệu suất, năng suất lao động tốt nhất.
3. Phòng làm việc ngăn nắp, sạch sẽ:
Phòng làm việc ngăn nắp, sạch sẽ không chỉ tốt cho sức khỏe của người làm việc mà còn tiết kiệm thời gian tìm kiếm, tra cứu tài liệu hoặc các vật dụng phụ trợ. Việc để tài liệu, dụng cụ ngăn nắp sẽ bảo quản đồ dùng thiết bị, thời gian sử dụng dài hơn, tiết kiệm chi phí mua mới trang thiết bị văn phòng phẩm.
4. Tiết kiệm thời gian, công sức lao động:
Tổ chức công việc một cách khéo léo, tiết kiệm thời gian công sức lao động:
– Việc gì trước kia phải làm hai ngày, nay vì tổ chức sắp xếp khéo, năng suất cao, ta có thể làm xong trong một ngày.
– Việc gì trước kia phải dùng 10 người, nay ta phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất của mỗi người, nhờ vậy mà chỉ dùng 5 người cũng làm được.
Một bài học kinh nghiệm nhìn từ quốc gia văn hóa như Nhật Bản, qui tắc làm việc của họ được chắt lọc trong qui tắc 5s áp dụng cho tất cả các nhà máy, cơ quan, xí nghiệp. Họ đã thành công và chắc chắn chúng ta cũng sẽ thành công. Qui tắc 5s của Nhật:
Sàng lọc (Seiri): Sàng lọc những thứ không cần thiết tại nơi làm việc và bỏ đi
Sắp xếp (Seiton): Sắp xếp mọi thứ ngăn nắp để dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy
Sạch sẽ (Seiso): Sạch sẽ vệ sinh thiết bị, dụng cụ và nơi làm việc
Săn sóc (Seiketsu): Săn sóc nơi làm việc bằng cách luôn thực hiện 3S trên
Sẵn sàng (Shitsuke): Sẵn sàng giáo dục rèn luyện để mọi người thực hiện 4S trên một cách tự giác.
Những nỗ lực duy trì 5s của người Nhật cũng như những nỗ lực về việc phát huy tác phong tiết kiệm trong cán bộ Việt Nam, tất cả đều hướng tới triệt tiêu sự lãng phí và tăng hiệu suất làm việc.