Nước chè từ lâu đã trở thành một nhu cầu sinh hoạt không thể thiếu hàng ngày. Không giống như Trà Đạo của Nhật Bản hay lễ nghi thưởng thức trà của Hàn Quốc, phong cách thưởng trà của Việt Nam mang một nét độc đáo riêng, ghi đậm bản sắc dân tộc. Trà Việt Nam được chia nôm na thành 2 loại cơ bản là trà xanh và trà khô. Trà xanh là loại nước uống quen thuộc của mọi người hơn vì dễ trồng và dễ chế biến.
Ai về Việt Thuận cùng anh
Thăm làng Cổ Việt uống chè xanh quê mình
Chè Mét đặc sản Thái Bình
Bát nước vàng óng đậm tình quê hương
Câu thơ đưa ta về với vùng chè Mét xã Việt Thuận huyện Vũ Thư, một làng cổ đặc trưng của đồng bằng Sông Hồng. Chè Việt Thuận đậm sắc, đậm hương, lá chè Việt Thuận khác hẳn với các loại chè khác vì thổ nhưỡng nơi đây là đất phèn pha chua rất hợp với cây chè. Có rất nhiều người mang giống chè mét đi trồng ở các nơi khác nhưng vẫn không ngon bằng trồng ở đây. Ở Việt Thuận, nhà nào cũng trồng chè, chè mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân.
Muốn chè ngon, ngọt vị phải chọn lá doi, bánh tẻ, dầy, giòn và phải rửa, pha ngay sau khi hái . Nếu chọn lá già, uống nước sẽ đắng, lá non nước đỏ và chát. Ngày trước các cụ pha chè thường dùng nước mưa nên chè pha xong có vị ngọt mát, thanh. Vào mỗi buổi sáng các cụ thường tụ tập bên chén chè xanh cùng đĩa kẹo lạc làng Nguyễn, tâm sự chuyện vui buồn hay làm vài ván cờ. Chén nước chè xanh giúp con người tỉnh táo, minh mẫn hơn trong một ngày. Uống chè thể hiện tính cộng đồng làng xã, uống chè không phân biệt chức tước, địa vị, tất cả đều có thể quây quần bên nhau và là một nét văn hoá đặc trưng riêng của người Việt.
Nguyễn Huyền