Chùa Từ Vân hay còn gọi là Từ Vân Tự nằm tại thôn Bình Minh, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư là một bút tích nằm trong quần thể khu di tích lịch sử văn hóa từ đường Đô Đốc Nguyễn Kim Nho, được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1989. Nơi đây là một trong ba di tích vừa mang ý nghĩa văn hóa tâm linh vừa tạo nên một sự uy linh, trong sáng của quần thể văn hóa làng vườn du lịch sinh thái Bách Thuận.
Chùa Từ Vân xã Bách Thuận là một trong những dấu ấn lịch sử huyền thoại giữa Phật pháp tâm linh và hiện thực con người. Trong bộ sử Nam Thành ghi chép lại: Nơi đây thờ nữ sư Phúc lai (chính hiệu là Nguyễn Thị Uyển Trà – là con gái tú tài Nguyễn Công của triều Cảnh Hưng hậu Lê thế kỷ XVII, là chị gái của Nguyễn Kim Nho. Nguyễn Thị Uyển Trà nết na thùy mị, thông minh, học giỏi, nổi danh tài ngữ; song lại sinh trong thời loạn lạc Trịnh – Nguyễn phân tranh, bách dân điêu đứng ly tan, mùa màng thất bát. Uyển Trà đã dứt gánh xuất gia tu hành, đặt tên nhà mình ở là lầu Cô Vân và xuất gia thế quất tại chùa Quan Âm (nay là chùa Từ Vân). Bà là vị nữ sư đầu tiên trên đất làng Thuận Vy xưa của huyện Thuận Nguyên tỉnh Nam Định, nay là huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình. Tuy là một nữ sư trong thời loạn lạc song nữ sư Phúc Lai rất quan tâm chăm lo đến cảnh thanh bình của muôn dân trăm họ. Người đã nhiều lần tổ chức quyên góp phát chẩn cứu đói nhân dân nhiều năm liền, giáo hóa quan – quân làm những điều có ý nghĩa lớn.
Đặc biệt vào những năm Tân Mão (Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 17 năm 1771) trong lần phân tranh Trịnh – Nguyễn, Chúa Trịnh kéo quân truy quét, khi chiến thuyền của Trịnh Sâm về đến đất Thuận Vy thì thấy nơi đây nhà cửa hoang tàn, vườn không nhà trống, tịch không một bóng người, nhưng lại thấy tại một ngôi chùa ngay đầu làng có một nữ sư vận cà sa, đeo tràng hạt, đứng tran nghiêm trên gác Tam Quan, không cử động, hai mắt sáng quắc. Bên dưới có hai sư ni đứng dưới hai gốc hai cây bồ đề: một người khóc rất thê thảm, một người cười rất vui vẻ, giòn giã. Thấy cảnh tượng lạ, Thái Phi đi cùng chiến thuyền với Trịnh Sâm đã đích thân lại gần thì tiếng khóc, tiếng cười đều im lặng. Lúc đó không biết nữ sư đã rỉ tai Thái Phi những gì mà lập tức Thái Phi đã lệnh cho Trịnh Sâm ngay sáng hôm sau thiết triều tại làng Thuận Vy ban chiếu chỉ muôn dân trăm họ ai về nhà nấy làm ăn, những nhà cửa nào trót bị đốt phá sẽ được bồi hoàn, miễn thuế 10 năm, trích tiền kho phát chẩn, giảm ngạch thuế – quân, những thường phạm cũng được tha rất nhiều…Sau đó Thái Phi và Trịnh Sâm kéo quân về kinh lập đàn chay, sửa sang chùa Nghi Tâm để tu hành. Nhân dân quanh vùng đã lập thờ tôn bà là vị Nhân Thần để ghi nhớ công ơn.
Trải qua các triều đại sau này, các vương gia, tướng lĩnh mỗi khi xuất quân dẹp giặc ngoại xâm đều đến nơi đây làm lễ tế xuất quân dẹp giặc, cầu bình an cho muôn dân trăm họ, quốc thái dân an. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nơi đây đã tiếp tục phát tích lên những điều huyền bí để lại những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam như là nơi treo cờ khởi nghĩa, nơi tiếp tế quân lương, nơi cắm chốt bảo vệ quê hương ngăn bước quân thù xâm lược…
Công trình văn hóa khu di tích lịch sử chùa Từ Vân trải qua gần 200 năm xây dựng và bảo tồn với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử và tự nhiên nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Chùa được trùng tu theo công văn số 256 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình ngày 25/11/2008; được sự cho phép và tạo điều kiện của các cấp có thẩm quyền, sự đồng tâm hiệp lực của các tín đồ phật tử gần xa, các tập thể vầ cá nhân trong xã ngoài làng thành tâm công đức, đặc biệt là sự nỗ lực của sư thầy trụ trì cùng tập thể ban quản lý khu di tích, đến năm 2011 các hạng mục công trình thờ tự, tu hành đã cơ bản hoàn thành như: Ngôi Đại Hùng Bảo Điện, Nhà thờ Tổ, thờ Thánh Mẫu và toàn bộ khuân viên với kinh phí đầu tư gần 4 tỷ đồng.
Hàng tháng, hàng năm vào ngày tuần tiết, chùa vọng tiếng chuông ngân, khói hương lan tỏa, nhân dân, phật tử và du khách thập phương lại tựu về tụng kinh niệm phật và dâng hương Thánh Mẫu.
Đức Ngọc