Làng Đồng Xâm xưa còn gọi là Đường Thâm thuộc huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, nay là xã Hồng Thái, Kiến Xương, Thái Bình. Theo một số nhà nghiên cứu thì đất làng Đồng Xâm đã có hơn 2000 năm lịch sử, xa xưa là một hòn đảo nhỏ có tên Đảo Vông, nay vẫn còn dấu tích tên chợ Vông, sông Vông.
Đồng Xâm mang nét đẹp từ tên gọi nhuốm màu sắc dã sử với những huyền thoại xung quanh ngôi đền Đồng Xâm. Ngoài nghề chính là nghề nông làng còn có nghề chạm bạc nổi tiếng từ lâu đời.
Vào đời vua Thuận Thiên năm thứ 2 (1429) nghệ nhân nghề chạm bạc tên là Nguyễn Kim Lâu theo thuyền dọc sông Trà Lý về lập nghiệp ở đây. Ông đã truyền nghề chạm bạc cho dân làng, trải qua nhiều thời kỳ đến nay nghề vẫn được duy trì và ngày càng phát triển. Để tỏ lòng biết ơn người đã có công khai sáng làng nghề, những người thợ chạm bạc ở Đồng Xâm đã tôn cụ là sư tổ nghề; lập đền thời và ngôi đền nằm ở làng Thượng Gia (Đồng Xâm) xã Hồng Thái. Và trong am thờ có tượng Nguyễn Kim Lâu bằng đồng.
Người làng Đồng Xâm còn lưu giữ được những sản phẩm thể hiện được tài năng, trí tuệ và sự khéo léo của những người thợ lớp trước như bộ lưu đỉnh bằng bạc, tranh xuân, hạ, thu, đông, tranh tứ bình…xưa nay khách sành chơi hàng vàng bạc đều đánh giá thợ Đồng Xâm khéo tay. Hàng bạc Đồng Xâm dáng thanh thoát, chạm truốt tinh xảo, đường ve, nước vuốt chuẩn mực đến từng chi tiết nhỏ như hạt kê, có độ chênh bong cao, đáp ứng mọi nhu cầu của mọi khách hàng khó tính nhất.
Nghề chạm bạc Đồng Xâm phát triển mạnh nhất là vào nửa cuối thế ký XIX và những năm đầu thế kỷ XX, lần đầu tiên hàng chạm bạc Đồng Xâm được xuất ra nước ngoài: Anh, Pháp, Bỉ, Trung Quốc, Triều Tiên, Thái Lan, Lào…
Đền thờ tổ nghề được xây dựng rất sớm, năm 1938 tiến hành đại tu. Đền Đồng Xâm là cả một quần thể di tích có quy mô hoành tráng, rộng lớn trong đó thờ Triệu Vũ Đế, đền thờ Trình thị Hoàng hậu (vợ vua Triệu Vũ Đế) và đền thờ Nguyễn Kim Lâu (vị tổ nghề chạm bạc cổ truyền) cùng hệ thống đền chùa nằm kề sông Vông.
Trung tâm của đền Đồng Xâm là một tổng thể kiến trúc đồ sộ với gần 10000m2 xây dựng với nhiều công trình kiến trúc hùng vĩ và tuyệt đẹp như Vọng Lâu, Thuỷ toạ, Hoành mã, Sân tế, toà tiền tế, phương đình, toà điện thờ, hậu cung, nhà thờ tổ sư nghề chạm bạc.
Từ xa xưa Đồng Xâm đã có lệ mở hội vào dịp cuối tháng ba, đầu tháng tư âm lịch (ngày nay chỉ tập trung vào các ngày một, hai, ba tháng tư). Lễ hội Đồng Xâm cuốn hút rất đông khách thập phương về dự bởi có nhiều trò chơi, trò diễn dan gian. Đặc biệt lễ hội là dịp các phường bạc ở khắp nơi về tế tổ Nguyễn Kim Lâu và đem sản phẩm bày cáo yết tổ nghề.
(Bài viết có sử dụng hình ảnh của nhiếp ảnh Nguyễn Thức – facebook Già Làng.)
Thúy Hường