Search by category:
Tin tức

Người lính doanh nhân Trần Mạnh Báo và cuốn tự truyện “Đối thoại với cánh đồng”

    Tự truyện “Đối thoại với cánh đồng” của người lính doanh nhân Trần Mạnh Báo như một cuốn từ điển sống, gieo hạt giống tâm hồn, gieo mầm ý tưởng, bật tung những khát khao, mơ ước cho người đọc khi dõi theo hành trình sống và làm việc của tác giả -con người ham đọc sách, nhiệt huyết, có ý chí, có hoài bão, ước mơ ấy luôn cần mẫn, ham học hỏi, chịu khó quan sát và hết sức quan tâm, yêu thương cuộc đời, con người.

Cuốn sách là những hồi ức chân thực và cảm động của ông Trần Mạnh Báo, về quãng đường hơn 50 năm cuộc đời ông, từ một cậu bé vùng quê nghèo, lớn lên đi thẳng vào chiến trường ác liệt rồi trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về giống lúa của tỉnh Thái Bình và cả nước. 

Hiện tác giả là Chủ tịch Hiệp hội thương mại Giống cây trồng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình, nơi ông dành toàn bộ tâm huyết khoa học của mình để gây dựng và hiện đang cung cấp cho thị trường 10% tổng sản lượng giống lúa trong cả nước. Không nhiều người làm được như ông, khi ngoài 40 tuổi, có địa vị, tiền bạc, danh vọng, ông vẫn say mê học hỏi, nghiên cứu, tìm tòi và hoàn thiện bản thân. Nhận thấy tiếng Anh là phương tiện giao tiếp cần thiết, phục vụ tốt cho công việc, ông đã học tập và đã sử dụng thông thạo tiếng Anh, tự tin giao tiếp với đối tác quốc tế.

Những trang sách của ông là bức tranh hiện thực về một thời kỳ khốc liệt của đói nghèo, chiến tranh với máu và nước mắt. Tôi như thấy lại những khoảnh khắc đau thương, hào hùng trong “Tuổi thơ dữ dội” của nhà văn Phùng Quán khi đọc chương I (Tuổi thơ)-chương II (Người lính)-chương III (Đồng đội). Những năm tháng khó nhọc ấy, sau những xót xa, tôi vẫn nhìn thấy một trái tim yêu thương, bao dung, thấu hiểu, một tính cách vô cùng hóm hỉnh, sâu sắc, tinh tế của ông. Tác giả khiến tôi nhiều phen nín thở khi dõi theo ông vượt qua những thử thách của bão biển, của bom đạn, của những va chạm trong chiến trường….Thử thách khiến chú bé kéo te ham học, nhanh nhẹn ngày nào trưởng thành hơn, gan dạ hơn bao giờ hết trong hình ảnh của anh bộ đội cụ Hồ sẵn sàng hoàn thành bất kì nhiệm vụ nào được giao. Hình ảnh anh bộ đội Trần Mạnh Báo “yên lặng ngồi bên cửa hầm” viết lý lịch Đảng, trịnh trọng thông báo với bố “Thưa bố. Con đã trở thành đảng viên Đảng lao động Việt Nam” khiến tôi cũng như những đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam càng tự hào khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Câu chuyện chiến trường vừa anh dũng, vừa đau thương, thấm đẫm tình người, tình quân dân, tình đồng chí. Tôi luyện trong khói lửa chiến tranh, người lính bước ra từ trận mạc có những bứt phá ngoạn mục trong cuộc chiến cũng không kém phần khốc liệt – trận chiến kinh tế. Ước mơ đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người nông dân trên quê hương, không ít chông gai, không ít dèm pha đã được ông gạt qua để có được thành công như ngày hôm nay. 

Những trang sách của ông cũng mở ra bầu trời mơ ước. Thế giới diệu kì của Đan Mạch, của những con đường không một hạt bụi, của một thế giới thiên đường văn minh được tái hiện qua ngòi bút của ông khiến tôi liên tưởng đến thế giới tôi thường mơ tới khi đọc tác phẩm “Heidi, cô bé ở miền Thụy Sĩ” của Johana Spiri. Mỗi đất nước ông đặt chân, mỗi vùng miền ông đi tới, trong lòng ông vẫn đau đáu nghĩ về quê hương.

Những trang sách của ông cũng mở mang tầm nhìn cho tôi. Cuộc đối thoại của người nông dân Mỹ và người nông dân Việt Nam sẽ giúp cho chúng ta nhìn nhận được mình đang ở đâu trong xã hội. Ánh mắt kiêu hãnh của người nông dân Việt Nam khi tự hào về sản lượng sản xuất một mẫu một năm đã chuyển sang thảng thốt khi biết người nông dân Mỹ một mình sản xuất được hơn 2000 mẫu một năm với thu hập tương đương 19 tỉ đồng/năm. Nhiều thực tế được chỉ ra, nhiều nguyên nhân được nhắc đến và không ít giải pháp được đặt ra.

Một liên hệ của ông về vật phẩm quà tặng chiếc giầy gỗ Hà Lan và đôi guốc mộc của thiếu nữ Việt Nam ngày xưa khiến người làm du lịch như tôi không khỏi giật mình! Ý tưởng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng chợt hiện lên trong đầu tôi. Chúng ta có những câu chuyện, chúng ta có những kỉ vật được hiện thực hóa nhưng chúng ta chưa biến nó thành “đồ lưu niệm” đem lại giá trị kinh tế. Du lịch Việt Nam vẫn loay hoay với câu hỏi: Làm du lịch như thế nào? Sản phẩm du lịch nào đặc trưng? Thì đây, câu hỏi ấy được những doanh nhân với óc quan sát và liên kết tuyệt vời như ông đưa ra câu trả lời đơn giản mà bất ngờ vô cùng. Hay câu chuyện Hợp tác xã của Đức đã thành công ra sao trong việc xử lý đầu ra cho sản phẩm, vấn đề đang nhức nhối đối với nông dân Việt Nam hiện nay. Đó là bài học kinh nghiệm đắt giá và có lẽ không quá khó để áp dụng nhưng cần sự chung tay của cả xã hội: sản xuất theo định hướng thị trường, nông phẩm sinh thái xanh, sạch, có thương hiệu…

Những trang sách của ông ngồn ngộn kiến thức về nông nghiệp, về cổ phần hóa, về văn hóa, về du lịch. Ông như muốn gom hết vốn sống và học thức của mình đem tặng cho độc giả. Một cách rất tinh tế, ông “giúp” người đọc thư giãn bằng những câu chuyện vui hóm hỉnh. Người đọc không khỏi bật cười trước chuyện chiếc lò vi sóng và những nút bấm trong bếp ám ảnh bà giúp việc hay chuyện bát phở to tổ chảng ở trời tây, chuyện chiếc bánh pizza to bằng cái đồng hồ….

Những câu chuyện về nông nghiệp của ông đặc biệt hấp dẫn và không hề khô khan bởi nó luôn có tính thời sự, luôn là những vấn đề nóng hổi. Trước mỗi trăn trở đều có những câu trả lời, những phương án và cách giải quyết bằng cái tầm cái tâm của người gắn với sản xuất nông nghiệp. Không hề có tâm lý manh mún, địa phương, tầm nhìn của người lãnh đạo ấy bao trùm bởi lòng thương người, nhất là tình thương đối với người nông dân một nắng hai sương. Ông thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ cũng như bí quyết làm ăn, bí quyết thành công, chia sẻ mơ ước và hi vọng về con đường phát triển xã hội, phát triển đất nước, ước mơ về cuộc sống ấm no hạnh phúc cho mọi người. Điều này đã được ông hiện thực hóa bằng những chính sách phát triển con người tại công ty ông quản lý, bằng những hoạt động xã hội do ông gây dựng.

 “Đối thoại với cánh đồng” của người lính doanh nhân Trần Mạnh Báo là cuốn tự truyện hay nên đọc, xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường cho những bạn trẻ nhiệt huyết, say mê, có lý tưởng, có hoài bão, ước mơ. Không như những quyển sách tinh thần chứa đầy lý thuyết sáo rỗng, tự truyện đem đến cho độc giả những tình huống vô cùng thực tế, những câu chuyện, chi tiết tưởng như nhỏ nhặt lại là nguyên nhân sâu xa của những khó khăn, thất bại. Cầm trên tay cuốn sách, tôi bị lôi cuốn trước hết vì sự tò mò muốn tìm hiểu thêm về nhà khoa học, nhà quản lý, cựu chiến binh Trần Mạnh Báo nhưng đọc từng trang sách của ông, nhiệt huyết, đam mê ông gửi trong từng con chữ kéo tôi đi suốt từ chương truyện này đến chương truyện khác, đồng thời gieo hạt mầm ý tưởng và khơi gợi những ước mơ tuổi trẻ bấy lâu tưởng như quên lãng./.

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý vị copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn thaibinhtourism.com.vn.
Copyright © 2023 - 2024 | thaibinhtourism.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status